Ý nghĩa lịch sử Bình_nguyên_Hoa_Bắc

Địa lý của vùng bình nguyên Hoa Bắc đã có ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa và chính trị. Không giống như các khu vực ở phía nam của Trường Giang, bình nguyên không bị chia cắt nhiều bởi các dãy núi và có khá ít sông, và do vậy việc liên lạc bằng ngựa là khá nhanh chóng. Kết quả, ngôn ngữ tương đối đồng nhất, tương phản với tình trạng có nhiều ngôn ngữ hay phương ngữ ở miền nam Trung Quốc. Ngoài ra, nhờ có khả năng thông tin liên lạc nhanh chóng nên trung tâm chính trị của Trung Quốc có xu hướng được đặt ở đây.[3]

Do đất đai màu mỡ của vùng bình nguyên Hoa Bắc dần dần chuyển sang vùng thảo nguyên và sa mạc ở Trung Á nên không có ranh giới tự nhiên giữa các vùng, bình nguyên dễ dàng bị xâm lược từ Trung Á, Bắc Á và Mãn Châu và điều này đã thúc đẩy việc xây dựng Vạn Lý Trường Thành.

Mặc dù đất đai của bình nguyên Hoa Bắc màu mỡ song khí hậu lại khó tiên định trước và là nơi giao nhau của luồng khí ẩm từ Thái Bình Dương và luồng khí khô từ vùng nội địa châu Á. Điều này khiến bình nguyên dễ bị lũ lụt cũng như hạn hán. Hơn nữa, sự bằng phẳng của đồng bằng sẽ khiến nó phải hứng chịu các trận lụt lớn khi các công trình thủy lực bị hư hỏng. Nhiều sử gia cho rằng yếu tố này đã thúc đẩy sự phát triển của một nhà nước Trung Quốc tập trung hóa nhằm quản lý các kho thóc, bảo trì các công trình thủy lực và chống lại các bộ lạc du mục.